DANH MỤC TOUR    
DA NANG XANH
Tour Đà Nẵng Lý Sơn
Tour Bà Nà

Tưng bừng lễ hội cầu ngư tại Huế

Sáng 11.2, lễ hội cầu ngư làng Thai Dương (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) diễn ra sôi nổi với nghi lễ xuất hành ra khơi khởi đầu cho một năm đánh bắt cá, thực thi chủ quyền trên vùng biển Tổ quốc.

Trước đó, sáng 10.2, lễ hội bắt đầu với nghi lễ rước thần của đại diện 102 tộc, phái trong làng cùng với đội lễ nhạc, múa lân cùng hàng ngàn người dân trong làng tham gia. 

Theo ông Tôn Thất Ninh, Trưởng làng Thai Dương, năm nay lễ hội tổ chức lớn vì theo truyền thống của làng là “tam niên đáo lệ”, tức sau ba năm mở hội lớn vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu.

Ngư dân Thừa Thiên- Huế tổ chức lễ hội cầu ngư xuất hành ra biển lớn 2
Nghi thức lễ hạ thuyền xuất hành ra khơi của ngư dân làng Thai Dương

Cùng với nghi lễ rước thần là các nghi lễ và hoạt cảnh dân gian vui nhộn của lễ cầu ngư, khởi lệnh làm trò “trên bờ dưới nước”, xuất quân đánh cá vụ Nam, đua thuyền trên phá Tam Giang sẽ diễn ra tại khu vực sân đình và trên mặt phá Tam Giang với ước nguyện năm mới trúng mùa tôm cá.

Cùng với lễ hội cầu ngư làng Thai Dương (thị trấn Thuận An,) làng Thai Dương Hạ (xã Hải Dương) cũng đồng thời tổ chức lễ hội với nghi lễ truyền thống cùng các hoạt cảnh tái hiện hình ảnh coi con nước trước khi ra khơi đánh bắt thủy sản.

Nguyên trước đây, làng Thai Dương và Thai Dương Hạ là cùng một làng Thai Dương thượng hạ.

Đến năm 1897, sau trận lũ lớn, một cửa biển mới đã mở ra giữa làng Thai Dương thượng hạ và người dân gọi là cửa Sứt, thay thế cho cửa biển cũ ở Hòa Dân bị bồi lấp.

Từ đó, làng Thai Dương thượng hạ đã chia ra thành hai làng Thai Dương và Thai Dương Hạ như hôm nay.

Do bị chia cắt thành hai làng nên từ đó, mọi sinh hoạt lễ hội của người dân cũng phải chia ra thành hai điểm hoạt động riêng.

Ngư dân Thừa Thiên- Huế tổ chức lễ hội cầu ngư xuất hành ra biển lớn 1
Màn múa lân khai hội tại sân đình làng Thai Dương

Lễ hội cầu ngư của cả hai làng đều có các hoạt cảnh dân gian vui nhộn, đặc trưng cho sinh hoạt văn hóa của người dân vùng biển. Trẻ em được sắm vai đàn cá theo con nước mắc đầy lưới của ngư dân.

Kết thúc hoạt cảnh diễn trò cầu ngư là hình ảnh những con tàu đánh bắt xa khơi của ngư dân trở về bến với cá, tôm, mực đầy khoan, báo hiệu một mùa bội thu. 

Ngoài ý nghĩa cầu một năm ra khơi thuận buồn xuôi gió, đánh bắt bội thu, ngư dân các làng biển còn thể hiện quyết tâm đoàn kết bảo vệ ngư trường, thực thi chủ quyền quốc gia trên vùng biển Tổ quốc.

Sau nghi lễ cầu ngư là lễ hội đua ghe truyền thống, với sự tham gia của 9 đội đua đến từ các phường, xã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nguồn: báo Thanh Niên

Danh mục tour