DANH MỤC TOUR    
DA NANG XANH
Tour Đà Nẵng Lý Sơn
Tour Bà Nà

Hang Trinh Nữ - Truyền thuyết một tình yêu

Hang Trinh Nữ nằm trên hai cánh của một vòng cung núi nhỏ phía đông dãy đảo Bồ Hòn trên Vịnh Hạ Long, cách hang Sửng Sốt hơn 3km về phía đông nam. Giống như một số hang động trên Vịnh Hạ Long, hang Trinh Nữ gắn với một câu chuyện cảm động về tình yêu trai gái. Cho dù cái kết của nó là đau thương thì câu chuyện cũng như một lý do để giải thích về những hiện tượng thiên nhiên bí ẩn - nguồn gốc ra đời của các hang động trên Vịnh Hạ Long.

Chẳng biết từ bao giờ, dân gian kể rằng, thuở ấy - đã xa xưa lắm, trên Vịnh Hạ Long có một người con gái vạn chài rất xinh đẹp. Nhà nghèo, gia đình cô phải đi làm thuê cho tên địa chủ trong vùng. Thấy cô xinh đẹp, tên địa chủ kia ép gia đình cô gả cô làm vợ bé cho hắn. Cô gái không chịu vì cô đã có người yêu là một chàng trai nghèo chuyên làm nghề đánh cá. Chàng trai đó đang ra khơi để chắt chiu chuẩn bị cho ngày cưới của họ. Không ép nổi cô, tên địa chủ đã đày cô ra một đảo hoang. Cô gái đói lả và kiệt sức. Trong một đêm mưa gió hãi hùng, cô đã hoá đá nơi đây. Nơi cô gái hoá đá chính là hang Trinh Nữ. Ngay giữa lòng hang hiện còn bức tượng người con gái bằng đá, nằm xoã mái tóc dài, mắt hướng ra khơi xa đang mỏi mòn chờ mong người yêu trở về.

Đêm ấy, biết tin cô gặp nạn, chàng trai mải miết bơi thuyền đi tìm cô. Đến đêm, giông bão ập đến khiến thuyền của chàng trai vỡ nát, chàng dạt lên một đảo hoang. Trong ánh chớp, chàng nhìn ra phía xa và nhận ra người yêu đang vẫy gọi, nhưng những lời chàng đáp lại đã bị gió cuốn đi. Chàng trai đã dùng hòn đá đập vào vách núi báo cho nàng biết rằng chàng đã đến. Chàng gõ khi máu trên tay chảy đầm đìa, tới khi kiệt sức và chàng cũng hoá đá. Nơi chàng trai hoá đá nay là hang Trống (còn gọi là hang Con trai), cách hang Trinh Nữ khoảng 700-800m về phía đối diện. Tại cửa hang vẫn còn bức tượng chàng trai hoá đá đang quay mặt về phía hang Trinh Nữ. Những dấu tích của trận cuồng phong đêm đó như vẫn còn, đó là những đổ vỡ của đất đá ngổn ngang trong hang, tiếng gió gầm gào qua vách đá và những bọt sóng vẫn tung lên trắng xoá…

Những năm tháng chiếm đóng Vùng mỏ trước đây, khi lập bản đồ, mặc dù có không ít đảo người Pháp đặt tên theo cách của họ, nhưng với hang Trinh Nữ, họ đã tuân theo truyền thuyết của dân chài Hạ Long, đặt tên hang là La vierge (dịch ra tiếng Việt là “Hang của người con gái”). Câu chuyện tình yêu có phần liêu trai ấy đã khiến nhiều du khách tò mò muốn một lần được đến thăm hang Trinh Nữ, hang Trống, hay chí ít cũng ngắm nhìn hang khi tàu đi qua…

Bên cạnh truyền thuyết một chuyện tình, hang Trinh Nữ còn là một trong các di tích khảo cổ học trên Vịnh Hạ Long. Năm 2000, các nhà khảo cổ đã phát hiện trong hang những dấu tích của cư dân tiền sử thuộc Văn hoá Hạ Long (cách nay khoảng 4.000 năm) với những dấu tích như lớp than tro, mảnh xương động vật, mảnh gốm và di vật đá. Năm 2010, các nhà khảo cổ còn phát hiện được dấu tích của bến gốm sứ cổ ở khu vực trước cửa hang Trinh Nữ với nhiều mảnh gốm sứ, sành (chủ yếu là lon sành), vò, hũ các loại với nhiều hoa văn trang trí khắc vạnh song song hay hình sóng nước. Các mảnh vỡ bát, đĩa được xác định thuộc thời Trần (thế kỷ XIII-XIV), mảnh đồ gốm có men lam thời Lê (thế kỷ XVI-XVIII), cùng nhiều mảnh gốm sứ của các triều đại phong kiến Trung Quốc. Căn cứ vào kết quả khảo sát, các nhà khảo cổ cho rằng hang Trinh Nữ là di tích bến gốm sứ cổ trong hệ thống Thương cảng Vân Đồn xưa, cho dù đây là bến có quy mô nhỏ và không thường xuyên.

Hiện nay, hang Trinh Nữ và hang Trống nằm trong tuyến du lịch số 2 trên Vịnh Hạ Long gồm hang Sửng Sốt - Titop (hoặc Soi Sim) - động Mê Cung - hồ Động Tiên (hoặc Hang  Trống hoặc Hang Trinh Nữ hoặc hang Bồ Nâu hoặc hang Luồn). Dù biết rằng câu chuyện tình yêu đau thương trên chỉ là truyền thuyết, nhưng du khách vẫn muốn được nghe kể mỗi khi có dịp đến thăm hai hang động này./.

Nguồn: http://dulichvn.org.vn

Danh mục tour