Thủ đô nghìn năm văn hiến có vô vàn điều độc đáo về văn hóa, lịch sử đang chờ bạn khám phá. Đặc biệt, những ngôi nhà di sản Hà Nội dường như bị thời gian bỏ quên, đến nay vẫn còn lưu giữ rất nhiều dấu ấn về một Thủ đô xa xưa mà không phải ai cũng biết.
1. Ngược dòng thời gian về với những ngôi nhà di sản Hà Nội
1.1. Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây
Địa chỉ: Số 87 Phố Mã Mây, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Ngôi nhà cổ ở Mã Mây được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIX với tổng diện tích đất 157,6 m2. Vào tháng 2/2004, ngôi nhà đã được cấp bằng Di sản cấp Quốc gia. Dù đã trải qua nhiều tháng năm nhưng đến nay, kiến trúc và đồ vật sinh hoạt trong ngôi nhà vẫn còn được lưu giữa nguyên vẹn.
Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây đã thay đổi chủ vài lần. Năm 1945 là nơi sinh sống của một thương gia bán thuốc bắc. Từ năm 1954 đến năm 1999 đã có 5 gia đình ở tại đây. Nằm nhỏ nhắn trong con phố Mã Mây hiện đại, bên trong ngôi nhà di sản lại tương đối rộng rãi, khác hẳn với bên ngoài.
Ngôi nhà di sản mang đặc trưng nhà phố cổ Hà Nội xưa, với dạng hình ống, hẹp chiều ngang nhưng sâu và đa năng sử dụng. Gian ngoài là cửa hàng, hiện nay trưng bày sách cũ. Các gian được ngăn cách bởi sân trong nên rất thoáng đãng và nhiều ánh sáng tự nhiên. Tiếp theo là gian nhà hậu, kho hàng và gian nhà bếp. Bàn ghế gỗ, cái rổ, chạn bát, rá rổ làm bằng tre nứa... vô cùng đơn sơ, mộc mạc, tái hiện hoàn hảo không gian bếp núc xưa của người Việt.
Ngôi nhà di sản Hà Nội 87 Mã Mây đã được cấp bằng Di sản cấp Quốc gia. Ảnh: homnaodidi
Tầng hai là khu vực dành cho phòng ngủ và tiếp khách riêng được kết nối với tầng một bởi cầu thang nghiêng 70 đến 75 độ. Giữa các phòng tại ngôi nhà di sản 87 Mã Mây không có tường mà thông ra với nhau bằng những cửa gỗ lớn. Giữa các lớp nhà trên tầng 2 có sân, giếng trời nên rất thoáng mát, tràn ngập thiên nhiên.
Hiện tại, ngôi nhà cổ vẫn còn rất nhiều hiện vật từ ngày xưa quý giá như bộ điếu bát, ấm chén uống trà, cối xay, quạt cổ... bình dị nhưng chứa đựng những giá trị văn hóa không thể đong đếm.
Ngôi nhà di sản Hà Nội mở cửa tiếp đón khách du lịch, là nơi để bạn tìm hiểu những nét văn hóa xa xưa, nếp sinh hoạt truyền thống của người dân phố cổ, để thêm yêu mến và tự hào về vùng đất văn hiến này.
1.2. Đình Đồng Lạc Hàng Đào
Địa chỉ: Số 38A, Phố Hàng Đào, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Trên phố Hàng Đào sầm uất có ngôi đình Đồng Lạc như một nốt lặng bình yên tạo thành điểm nhấn cho nơi này. Đình được xây dựng từ thời nhà Lê, thờ các vị thần trong Tứ trấn của Thăng Long. Do biến động của thời gian, đình Đồng Lạc Hàng Đào được xây lại nhiều lần theo đúng kiến trúc xưa.
Với lối kiến trúc phổ biến của Hà Nội thời bây giờ, cũng như ngôi nhà di sản Mã Mây, không gian bên trong đình Đồng Lạc được phân chia thành nhiều gian nhà, ngăn cách giữa các gian là sân trong lấy ánh sáng và đón gió.
Đặt chân vào không gian đình, du khách như được trở về một thời xưa cũ, nơi không gian và thời gian đều dừng lại. Khung cửa gỗ, tường sơn vàng nhạt, bộ bàn ghế mộc mạc, những tán cây xanh mướt... Tất cả đều giản dị đến lạ giữa phố phường Hà thành hiện đại.
Hiện vật quan trọng nhất còn sót lại của đình Đồng Lạc là tấm văn bia gắn trên tường gần điện thờ trên tầng hai. Bia được khắc năm Tự Đức Bính Thìn (1856) với giá trị lịch sử to lớn, giúp thế hệ sau biết được về lịch sử tồn tại của ngôi đình Đồng Lạc Hàng Đào và chợ bán yếm lụa đã có ở đây từ thời nhà Lê.
Ngày nay, đình Đồng Lạc vẫn là nơi diễn ra những hoạt động nghệ thuật đặc sắc. Rất nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề truyền thống đặc trưng Hà Nội như mây tre đan, đồ sơn mài, lụa, đồ đá... cũng được trưng bày tại đây. Mỗi sản phẩm đều mang một câu chuyện riêng, chứa đựng cả một hồn văn hóa, một vùng ký ức đẹp.
1.3. Trung tâm giao lưu văn hoá phố cổ Hà Nội
Địa chỉ: Số 50, Phố Đào Duy Từ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Giờ mở cửa: 8h – 17h30
Một địa chỉ ngôi nhà di sản Hà Nội cho các du khách thích tìm hiểu về văn hóa nữa chính là Trung tâm giao lưu văn hoá phố cổ Hà Nội. Ít ai biết rằng, ngôi nhà 3 tầng nằm mặt tiền phố Đào Duy Từ này từng là Rạp hát Lạc Việt - một trong hai rạp hát lớn nhất Thủ đô ở thế kỷ XX.
Không gian bài trí đầy ấn tượng bên trong Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội. Ảnh: thoo_hot
Rạp hát này từng là nơi hoạt động của các gánh chèo. Sau Cách mạng, phường chèo hoạt động ít dần, rạp hát trở thành nơi sinh sống của nhiều họ dân. Đến năm 1989, hỏa hoạn xảy ra phá hủy gần hát rạp hát. Năm 2013, UBND Quận Hoàn Kiếm đã hợp tác với các chuyên gia đến từ Pháp xây dựng Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ.
Có tổng diện tích sàn là 1265m2, trung tâm này cũng tái hiện hoàn hảo kiến trúc nhà truyền thống trong khu phố cổ của Hà Nội. Mặt tiền công trình gây ấn tượng với tông vàng, đèn lồng trang trí cũng những chậu hoa cúc rực rỡ. Công trình gồm 3 tầng và 1 tầng bán hầm.
Tầng 1 trung tâm là nơi diễn ra các hoạt động triển lãm, đọc sách... định kỳ. Lên tầng 2, bạn sẽ được giới thiệu về lịch sử hình thành của phố cổ Hà Nội. Tầng 3 thích hợp để tổ chức hội thảo và các buổi biểu diễn nghệ thuật.
Đặt chân vào bên trong Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ, cảm nhận đầu tiên với các lữ khách có lẽ là sự trầm lắng. Quả thực, nơi đây đã được phủ một lớp bọc của thời gian xưa cũ, rất thích hợp để bạn trầm ngẫm và sống chậm lại.
1.4. Hội quán Quảng Đông
Địa chỉ: Số 22, Phố Hàng Buồm, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Hội quán Quảng Đông từng là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng của người gốc Hoa từ 400 năm trước. Ngày nay, công trình này đã được tôn tạo lại, trở thành trung tâm triển lãm nghệ thuật với tên gọi Trung tâm văn hóa nghệ thuật nằm ở phố Hàng Buồm.
Giữa Hà Nội hiện đại lại có một hội quán được xem như ngôi nhà di sản Hà Nội đầy thú vị. Ảnh: SGtiepthi
Nơi này là ngôi nhà di sản Hà Nội, mà qua đây, du khách sẽ được biết, được hiểu về chuyện đời của Hoa kiều ngày ấy và của người Hà Nội ngày nay. Cùng với Hội quán Phúc Kiến (Số 40, phố Lãn Ông), hội quán Quảng Đông là một trong hai hội quán còn tồn tại trong khu phố cổ Thủ đô.
Dù được xây dựng lại nhưng không gian và kiến trúc của hội quán vẫn còn giữ được nhiều nét cổ kính ấn tượng, điển hình như kiểu mái có đầu hòi, đầu đao vuông, hay lối kiến trúc theo quy luật truyền thống từ trước ra sau, từ tiền đường, phương đình, trung đường tới hậu cung, các dãy nhà với bố cục hợp thành chữ “Khẩu”...
2. Những điểm đến ở Hà Nội khác cho bạn tìm hiểu lịch sử văn hóa
2.1. Cột cờ Hà Nội
Địa chỉ: Số 28A, Điên Biên Phủ, Quận Ba Đình, Hà Nội
Nếu muốn tìm hiểu về lịch sử trong chuyến du lịch Hà Nội, cột cờ Hà Nội cũng là một điểm đến lý tưởng cho bạn. Công trình này nằm trong số ít những công trình còn nguyên vẹn trong quần thể di tích Hoàng thành Thăng Long. Cột cờ mang dáng vẻ uy nghiêm, chứng kiến nhiều thăng trầm của đất Hà thành.
Cột cờ Hà Nội được xây dựng từ thời nhà Nguyễn, có kết cấu dạng tháp cao 33,4m, như một đài quan sát lúc bấy giờ. Trong thân cột cờ cao 18,2m có 54 bậc cầu thang hình xoáy trôn ốc lên tới đỉnh. Phần đỉnh cột cờ có 8 cửa sổ, đủ cho 5 người đứng. Lúc nào, lá cờ đỏ sao vàng cũng tung bay phấp phơi trên đỉnh như biểu tượng của sự tự do của dân tộc.
2.2. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Hà Nội
Địa chỉ: Số 216, Đường Trần Quang Khải, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Theo kinh nghiệm đi Hà Nội, một không gian văn hóa – lịch sử, một điểm check in mang đậm dấu ấn Thăng Long cho du khách phải kể đến Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Hà Nội. Với tông vàng rực rỡ, bảo tàng nổi bần bật giữa phố phường Thủ đô. Trong khi cơ sở Tràng Tiền giới thiệu tới du khách về thời tiền sử tới hết triều Nguyễn 1945 thì cơ sở Trần Quang Khải cho bạn hiểu hơn về lịch sử giữ nước trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
Ở khu vực trưng bày chuyên đề, du khách được tiếp cận nhiều nét đẹp trong văn hóa Việt Nam và các nước trên thế giới. Một số chuyên đề nổi bật như “Baekje & Jeju: Từ Di sản Hàn Quốc đến Di sản Thế giới”; “Quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam”…
2.3. Nhà tù Hỏa Lò
Địa chỉ: Số 1, Phố Hỏa Lò, Quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội
Nhà tù Hoả Lò được xây dựng từ năm 1896, là điểm du lịch Hà Nội nổi tiếng, một minh chứng lịch sử về thời kì cách mạng đau thương của dân tộc ta. Thời bấy giờ, nhà tù Hỏa Lò là nơi giam giữ các chiến sĩ cách mạng, các nhà yêu nước với lối tra tấn dã man, được ví như “địa ngục trần gian”. Đến đây, khách du lịch hiểu hơn về lịch sử nước nhà cũng như thêm biết ơn và cảm phục trước tinh thần yêu nước của ông cha ta.
Phần lớn diện tích Nhà tù Hỏa Lò đã xây dựng thành Tháp Hà Nội từ năm 1994. Một phần diện tích còn lại được bảo tồn thành di tích quốc gia, phục vụ khách thăm quan. Trong nhà tù, phòng đặt máy chém tử hình khiến nhiều du khách phải sởn gai ốc.
Trải qua hàng trăm năm, những ngôi nhà di sản Hà Nội vẫn đứng đó và trở thành điểm đến không thể bỏ qua cho du khách muốn tìm hiểu về lịch sử, văn hóa đất Thăng Long xưa.
Theo Báo Thể Thao Việt Nam