Tại các bãi biển du lịch của Đà Nẵng như Mỹ Khê, Mỹ An hay bãi biển Mân Thái, một số du khách, thanh niên sau khi tụ tập ăn uống, không dọn vệ sinh mà lại để nguyên vỏ chai, hộp nhựa, thức ăn đã dùng ngay trên bãi biển. Còn tại bán đảo Sơn Trà, các điểm du lịch như Hồ Xanh, Ghềnh Bàng... sau khi tham quan nghỉ dưỡng du khách đã bỏ lại đủ loại chai nhựa, túi ni lông, vỏ lon...
Anh Châu Duy Quốc, du khách đến từ tỉnh Thừa Thiên Huế, phản ánh: "Đoạn đường lên bán đảo Sơn Trà hay đoạn đường rừng xuống Ghềnh Bàng khá đẹp, tuy nhiên cũng đầy rác. Bất kể loại rác nào cũng có ở đây".
Đây không phải là tình trạng diễn ra ngày một ngày hai mà kéo dài suốt nhiều năm nay. Theo ông Phan Minh Hải, Phó Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, bên cạnh những du khách có ý thức bỏ rác đúng nơi quy định để giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ các điểm du lịch, một số người lại để nguyên "bàn tiệc" đầy rác mà ra về.
Tình trạng này xảy ra ngay trên những bãi biển công cộng của thành phố và một số điểm du lịch xa. Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đã nhiều lần tổ chức các buổi thu gom dọn rác tại các điểm du lịch nhưng "đâu lại vào đấy".
"Vì không thể xử phạt nên chúng tôi cũng chỉ còn cách tuyên truyền nhắc nhở để người dân và du khách giữ gìn vệ sinh chung", ông Phan Minh Hải nói.
Bên cạnh đó, Ban quản lý còn gặp khó khăn trước tình trạng người dân, du khách cho khỉ ăn ở khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Hiện nay chưa có quy định nào để các cơ quan chức năng như Hạt Kiểm lâm, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng hay chính quyền địa phương xử phạt người cho khỉ ăn. Trong khi hành vi này tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh chéo giữa người và khỉ.
Nguồn: Báo Lao Động