Sắp tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ thành lập Hội đồng khoa học Quốc gia thẩm định lại giá trị của hiện vật này để trình cấp có thẩm quyền ra quyết định.
Theo hồ sơ khoa học vừa được xây dựng hoàn thiện, hiện vật Mukhalinga đang được lưu giữ tại Ban Quản lý Di tích và du lịch (Khu Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, thuộc địa phận huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) là hiện vật quý có kích thước cao 1,26 m, rộng 41,5 cm.
Mukhalinga gồm 3 phần gần bằng nhau: Tròn, bát giác, vuông (42cm - 41,6cm - 41,5 cm). Phần tròn có chạm nổi một đầu tượng (cao 21,5cm, rộng 13,5cm, dày 12 cm); phần cổ gắn liền với đoạn gờ Linga. Đầu tượng có búi tóc cao 5,5cm, trán rộng đứng, khuôn mặt thanh tú, đôi mày cong hơi nhô ra, mắt nhìn xuống, sống mũi thẳng, miệng có râu trên, hai môi dày mím lại, cằm chẻ, vành tai trên cao ngang mày, dái tai dài xuống ngang cằm. Phần bát giác có cặp cạnh đối xứng bằng nhau, hai cạnh liền kề không bằng nhau (18cm-16,5cm). Phần vuông có cạnh 41,5 cm. Hiện vật bị mòn mờ, mặt chính của Linga có nhiều đường vân đá cánh cung. Hiện, mặt tượng bị mòn mờ, Linga tương đối nguyên vẹn và có niên đại khoảng từ thế kỷ VIII - IX.
Ông Nguyễn Công Khiết, Phó trưởng Ban Quản lý Di tích và du lịch, Khu Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn cho biết: Mukhalinga nói trên được khai quật tại khu E trong quần thể Khu Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Đây là hiện vật độc bản. Trong số các hiện vật đăng ký ở Khu di tích Mỹ Sơn, chỉ có độc nhất 1 Mukhalinga. Hiện vật có hình thức độc đáo và trong các hiện vật Champa hiện nay, đây là Mukhalinga tiêu biểu nhất.
Nguồn: http://dulichvn.org.vn