Ngày 5/4, ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, hội thi cứu hộ biển quốc tế năm 2024 sẽ diễn ra vào ngày 27/4 tại bãi biển trước công viên Biển Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.
"Hội thi nhằm quảng bá bãi biển du lịch Đà Nẵng đến với người dân và du khách; đồng thời tạo sân chơi lành mạnh để các nhân viên cứu hộ trong và ngoài nước có cơ hội giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác cứu nạn – cứu hộ", ông Vũ nói.
Theo đó, tham gia dự thi là nhân viên của các Đội cứu nạn tại các địa phương ven biển, các resort, khách sạn đội tình nguyện hoạt động trong lĩnh vực cứu hộ, cứu nạn bờ biển trong và ngoài nước đã được huấn luyện các kỹ năng nghiệp vụ theo quy định.
Hội thi sẽ có các nội dung: thi bơi tiếp sức (3x300m), thi bơi ván cứu hộ tiếp sức (3x300m), cướp cờ, bơi ván cứu nạn nhân, người sắt (chạy 200m, bơi tự do 300m, bơi ván lướt 300m, chạy 200m).
"Tính đến chiều ngày 4/4 đã có 7 đội trong nước (từ Hội An, Nha Trang, Huế, Vũng Tàu, Tuy Hoà, Đồng Hới, Đà Nẵng) và 2 đội nước ngoài (Úc, Myanmar) xác nhận tham dự. Thời hạn đăng ký cho các đội còn lại tiếp tục đến ngày 10/4", ông Vũ cho biết.
Theo BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, trong quý I năm 2024, Đội cứu nạn đã tăng cường công tác trực cứu nạn đảm bảo an toàn trong dịp lễ Tết Nguyên đán và cứu vớt 22 trường hợp an toàn (tính đến 31/3/2024).
Hiện tại, đã bắt đầu vào mùa cao điểm du lịch biển, lượng khách tham quan tắm biển tại các bãi biển công cộng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tăng mạnh.
Để đảm bảo an toàn cho người dân và du khách tắm biển tại các bãi biển của thành phố, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng tăng cường 100% lực lượng cứu hộ trực tại các bãi tắm trọng điểm và duy trì tuần tra từ khung giờ trực: mùa hè từ 4h30 – 19h00 hằng ngày. Duy trì hoạt động tại 02 bãi tắm đêm từ 19h đến 22h00, tại khu vực bãi biển phía Bắc Công viên Biển Đông và khu vực Bãi biển đêm Mỹ An - nơi có đủ điều kiện về ánh sáng, nhân viên cứu hộ trực đảm bảo an toàn.
Bên cạnh đó, triển khai giăng phao tại các khu vực tắm an toàn; lắp đặt hơn 100 bảng cảnh báo các loại như: khu vực nguy hiểm có dòng chảy xa bờ, cảnh báo khi thời tiết xấu. Lắp đặt bảng khuyến cáo tại các khu vực không có lực lượng cứu hộ trực; tuyên truyền trên hệ thống loa ven biển, website, fanpage của BQL, Cổng thông tin điện tử Tp Đà Nẵng, gửi công văn đến các trường học trên địa bàn thành phố, các khách sạn ven biển nhằm tuyên truyền các nội dung khuyến cáo về thời gian trực cứu hộ, nội quy bãi biển...
Ngoài ra, BQL chủ động phối hợp với các dự án ven biển trong công tác cứu hộ, đảm bảo an toàn cho du khách tại các khu vực trước dự án. Phối hợp với các khách sạn cung cấp thông tin hướng dẫn về tắm biển an toàn cho khách du lịch.
Thường xuyên phối hợp với các chuyên gia Hiệp hội cứu hộ Úc tổ chức các lớp trao đổi kỹ năng, học hỏi kinh nghiệm nhằm bồi dưỡng kiến thức, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho các Đội viên Đội cứu nạn và các kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em.
Để sẵn sàng đón du khách, Ban quản lý cũng đã tập trung tăng cường công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, nâng cấp các tiện ích dịch vụ công cộng và các hoạt động dịch vụ tại bãi biển, phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch, tất cả hướng đến việc hình thành thương hiệu du lịch biển Đà Nẵng "an toàn – văn mình – hấp dẫn" thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan và trải nghiệm./.
Theo Báo Tổ quốc