Nằm khuất sâu trong một thung lũng thuộc tiểu khu 64 thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Bán đảo Sơn Trà, cách trung tâm Thành phố Đà Nẵng chưa đầy 8km. Sơn Trà tịnh viên thật bình yên trên đồi núi đúng như tên gọi của nó, đặc biệt hơn khi khu vườn là sự hội tụ kết giao của 108 loài tre trúc ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam và cả những xứ sở phương xa như Tây Tạng. Tất cả được quy tụ, lớn lên tại khu vườn bởi bàn tay chăm sóc và công sức kiếm tìm của thầy trụ trì – Thích Thế Tường. Nhìn dáng người nhỏ nhắn, thân thiện của vị trụ trì ở tuổi 46 tôi không khỏi khâm phục trước những tháng ngày thầm lặng thầy đã đổ biết bao mồ hôi, công sức biến khoảng rừng đầy lau sậy và dây leo phủ kín nơi đây thành khu vườn tre, trúc thơ mộng như ngày hôm nay.
Dẫn chúng tôi tham quan khu vườn thầy tâm sự “đặc sắc của khu vườn chính là những loài tre quý hiếm” đồng thời, giới thiệu cho chúng tôi biết một trong những loài tre quý hiếm nhất đó chính là trúc đen ở Yên Tử, một loài trúc có thể chữa bệnh. Sau đó, thầy kể chúng tôi nghe cơ duyên đến với loài trúc chỉ duy nhất ở vườn thầy mới có với lá mảnh mai như liễu do “Đức Đạt Lai Lạt Ma” tại Tây Tạng gửi tặng đó là trúc Dhamramsala. Thăm khu vườn, chúng tôi còn khám phá thêm nhiều điều mới: tre không chỉ một loại mà đa dạng về chủng loại; tre không chỉ trồng lên từ cây con mà còn ươm bằng hạt.
Khi nói về công việc tìm kiếm, chăm sóc khu vườn tre này tôi nhận thấy niềm vui, niềm đam mê trong ánh mắt của vị tu sĩ. Một mình gây dựng khu vườn thầy phải phân chia thời gian, mùa hè chỉ tập trung chăm sóc, mùa xuân tìm kiếm làm phong phú chủng loại. Có rất nhiều người nói công việc của thầy kì lạ nhưng với bản thân thầy nó không lạ chút nào bởi “Mỗi người đều có một con đường riêng, thầy trồng tre trúc và nguyện đi theo phật mà phật và văn hóa dân tộc Việt của chúng ta là sự giao thoa hòa quyện từ ngàn xưa” và còn bởi cây Tre chính là tâm hồn người Việt.
Nhìn toàn cảnh khu vườn chúng tôi nhận thấy nơi đây không chỉ quy tụ các loài tre trúc được trồng theo từng loại. Mà cảnh quan ở đây được bài trí thật đẹp mắt bởi có những con suối chảy róc rách với đàn cá lượn tung tăng, có mặt hồ nước trong xanh dập dềnh những hoa súng, có lối nhỏ lát gạch thẳng tắp dẫn ra khu vườn và điểm xuyết cho bức tranh sinh động đó là những loài hoa dân dã như vạn thọ, dương xỉ...được trồng bao quanh.
Nói về những dự định trong tương lai, thầy cho hay: Khu vườn này không chỉ quy tụ các loài tre trúc, thầy còn chăm sóc bảo tồn những cây rừng mọc tự nhiên để trở thành một quần thể cây xanh hòa hợp. Đến với tre trúc không chỉ là niềm đam mê mà đó còn là cái duyên. Rồi đây, khi Tịnh viên này tươm tất, cửa tịnh viên sẽ luôn rộng mở để cư dân Đà Nẵng cũng như khách thập phương có thể vãng cảnh bất cứ lúc nào. Đặc biệt, các em học sinh bây giờ chỉ học qua sách vở, mạng Internet… là chính. Vì vậy, ước nguyện của Thầy làm sao để Tịnh viên sẽ mang lại cho các em những kiến thức thực tế về ý thức bảo vệ thiên nhiên, những hiểu biết sâu thêm về loài tre – loài cây thể hiện sức mạnh của dân tộc Việt.
Cùng với những điểm du lịch tại Bán đảo Sơn Trà như: Linh Ứng tự, Cây Đa ngàn năm tuổi, Đỉnh Bàn cờ tiên…Sơn Trà tịnh viên rồi đây sẽ trở thành chốn dừng chân lý tưởng cho du khách khi muốn tìm hiểu, thưởng ngoạn về thế giới loài tre, muốn tìm về không gian thanh tịnh để tạm rời xa chốn phố phường nhộn nhịp./.
Nguồn: http://www.sontra.danang.vn