DANH MỤC TOUR    
DA NANG XANH
Tour Bà Nà
Tour Đà Nẵng Lý Sơn

Làng trống Lâm Yên

Lượt xem: 2301
Vị trí: Lâm Yên là vùng tứ châu của bốn địa giới gộp lại: Lâm Tây, Lâm An, Lâm Ðại, Lâm Trung nay là ấp Nam xã Ðại Minh, huyện Ðại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Đặc điểm: Nghề làm trống ở Lâm Yên là nghề phụ nhưng những sản phẩm của họ làm ra rất được khách ưa chuộng. Hằng năm từ 1500 đến 2000 sản phẩm các loại được bán ra thị trường có khi sản phẩm của họ vào tận các tỉnh Tây Nguyên và cả miền Ðông Nam Bộ.

Khởi thuỷ về một làng nghề này thì không ai nhớ là nghề làm trống ở Lâm Yên có từ bao giờ. Từ bao đời nay khi đến những mùa lễ hội:" Cử chinh cổ" người dân Ðại Lộc nói riêng và vùng lân cận Ðiện Bàn, Duy Xuyên...thường nhắc đến câu ca:" Trống Lâm Yên- Chiêng Phước Kiều".

Hiện tại ấp Nam (Lâm Yên) có một gia tộc họ Phan đã có trên 7 đời làm trống. Vào thời điểm của những năm đầu Trịnh- Nguyễn phân tranh ông Phan Công Thiên từ Hải Dương theo đoàn ngoài cư dân vào khai phá miệt vườn ở Quảng Nam. Ông dừng chân ở Lâm Yên (Ðại Minh- Ðại Lộc ngày nay) và sau đó duy trì được nghề truyền thống của tổ tiên dòng họ Phan và làng trống Lâm Yên tồn tại cho đến hôm nay.

Quy trình làm thành một chiếc trống (trống chầu, trống lịch, trống lân, trống chiên, trống chùa...) người thợ làm trống phải qua nhiều công đoạn khác nhau. Ðầu tiên là làm dăm trống và dăm trống ở đây được chọn phải là gỗ mít (cây mít). Gỗ mít được phơi khô và được người thợ bỏ mực, cưa xẻ theo chiều cong của dăm tuỳ theo kích thước của trống mà độ cong của dăm khác nhau. Dăm trống được bào nhẵn, tre được vót tròn nhọn làm niềng trống, dọn miệng phẳng. Thứ đến là da trâu mua về căng ra phơi cho khô, cắt mặt ngâm vào nước lạnh từ 2 đến 3 ngày, vớt ra thuộc mỏng. Sau đó đặt lên bịt vào đóng chốt thành mặt trống. Làm xong công đoạn này người thợ phải bào sạch mặt, láng ngoài rồi bắt niềng cố định cho trống.

Nghề làm trống đòi hỏi ở người thợ tính cần cù nhẫn nại, chịu khó và khéo tay khi bắt đầu đến khi hoàn thành sản phẩm. Mỗi chiếc trống làm ra đều có quy cách và kích cỡ nhất định theo từng loại: trống chầu, trống chiên, trống chùa… Nếu chiếc trống có kích thước trung bình (đường kính mặt trống từ 20-50cm) thì người thợ mất thời gian từ 2 đến 4 ngày. Mỗi sản phẩm làm ra đòi hỏi rất cao: chất liệu phải đảm bảo độ bền, độ vang của trống, dăm trống (thân trống) phải bằng gỗ mít và mặt trống phải bằng da trâu chứ không phải bằng bất kỳ chất liệu khác.

Hàng năm không phải mùa nào nghề trống ở Lâm Yên cũng đắt khách mà phải chờ vào tháng 3 (thanh minh) và tháng 8 âm lịch. Hai tháng này có nhiều lễ cúng tế có nhiều người đến đặt trống thì người thợ Lâm Yên mới có điều kiện và thời gian để làm trống.

Xã hội ngày một phát triển, trong đó có đáp ứng về nhu cầu tinh thần, nhu cầu văn hoá thể hiện qua các hình thức lễ hội, nghệ thuật... thì không thể thiếu bởi tiếng trống chầu, trống lịnh hay trống chùa. Chắc chắn nghề làm trống Lâm Yên- Ðại Minh- Ðại Lộc- Tỉnh Quảng Nam sẽ được duy trì và không ngừng phát triển.
 

Danh mục địa danh